Lượt xem: 944

Sóc Trăng xây dựng tượng đài Bác sĩ Nông học Lương Định Của

Để tri ân công lao của Bác sĩ Nông học Lương Định Của, người đã có nhiều đóng góp cho ngành Nông nghiệp Việt Nam, tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng tượng đài của ông tại Công viên 30/4, thành phố Sóc Trăng.

    Đồng chí Ngô Hùng - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh Sóc Trăng đã hoàn thành việc tạc dựng tượng đài nhà Nông học Lương Định Của, người con ưu tú của quê hương Sóc Trăng, người đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển của ngành Nông nghiệp Việt Nam.


Tượng đài Bác sĩ Nông học Lương Định Của tại Công viên 30/4, thành phố Sóc Trăng.

    Theo đó, tượng đài có bệ và đế cao 2,5 m, tượng chính cao 6m bằng đá granit Bình Định, khắc họa dáng đứng ung dung, vẻ mặt thanh thản hướng về phía trước, tay ôm bó lúa, thành quả bao năm nghiên cứu của nhà Nông học Lương Định Của. Đây là công trình góp phần tạo diện mạo mới cho thành phố Sóc Trăng, cũng là nơi sinh hoạt, vui chơi, giải trí của người dân và tổ chức các sự kiện văn hóa, xã hội tiêu biểu của tỉnh. Tổng vốn đầu tư 8,5 tỷ đồng từ nguồn xổ số kiến thiết.

    Bác sĩ Nông học Lương Định Của sinh năm 1920 tại làng Đại Ngãi, quận Kế Sách (nay là thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng). Cuộc đời của ông sớm gặp nhiều biến cố, nhưng bằng ý chí, nghị lực của mình, ông đã vượt qua tất cả mọi gian khổ, khó khăn, thử thách và đã thành công trong con đường nghiên cứu khoa học, được nhiều người, nhiều thế hệ, nhiều quốc gia kính trọng.

    Sau khi hoàn thành bậc tiểu học tại Trường Taberd (tỉnh Sóc Trăng), Lương Định Của chuyển lên Sài Gòn học bậc tú tài (nay là bậc trung học). Năm 1937, ông sang Hồng Kông thi vào trường Y khoa La Salle College, với mong muốn nâng cao trình độ tiếng Anh để tiếp tục theo học ngành thương mại. Đến năm thứ 3, ông sang Thượng HảiTrung Quốc học ở Đại học Kinh tế Saint John’s. Năm 1940, do chiến tranh thế giới lan rộng nên nhà trường phải đóng cửa, ông lại vượt biển Đông sang Nhật Bản, thi vào Khoa Sinh vật thực nghiệm, chuyên ngành Trồng trọt tại Đại học Quốc lập Kyushu.

    Sau khi chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, với tư cách là nước thua trận, Nhật Bản bị quân đội Mỹ chiếm đóng. Kinh tế Nhật Bản suy thoái, nên chính phủ Nhật quyết định ngừng cấp học bổng cho các du học sinh nước ngoài. Để có tiền tiếp tục theo đuổi việc học, Lương Định Của phải làm nhiều nghề khác nhau để kiếm sống và hoàn thành khóa học. Sau đó, ông lại tiếp tục học lên bậc cao hơn nhằm tích lũy kiến thức với mong muốn giúp ích nhiều hơn cho quê hương.

    Năm 1951, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Nông học Khoa Di truyền chọn giống với đề tài “Cách xử lý đa bội thể di truyền nhằm tạo nên giống lúa mới”.  Đề tài của ông đã được Hội đồng khoa học của Trường Đại học Kyoto đánh giá cao với những cống hiến cho ngành nông học trong việc cải thiện giống lúa. Ông đã được Hội đồng khoa học của Trường trao bằng Bác sĩ Nông học - đây là học vị cao nhất lúc bấy giờ được trao cho người nước ngoài duy nhất và trẻ nhất của Nhật Bản từ thời Minh Trị Thiên Hoàng. Ông là người thứ 96 trên toàn nước Nhật giành được học vị này trong vòng 10 năm ở Nhật thời kỳ đó. Sau khi nhận học vị này, ông được bổ nhiệm làm giảng viên Trường Đại học tổng hợp Kyoto và nhận được nhiều bằng khen về các công trình nghiên cứu khoa học.

    Năm 1952, sau khi nhận bằng Bác sĩ Nông học, thay vì sang châu Âu hoặc Mỹ để phát triển sự nghiệp như lời khuyên của nhiều người thân, Lương Định Của lại cùng gia đình về Việt Nam, đóng góp công sức xây dựng và phát triển ngành Nông nghiệp của đất nước vốn còn nhiều lạc hậu. Tháng 9/1952, Lương Định Của và gia đình về đến Sài Gòn và ông đã thẳng thắn từ chối chức Thứ trưởng Bộ Canh Nông của Chính phủ Bảo Đại.

    Năm 1954, ông cùng gia đình tập kết ra miền Bắc và làm việc tại Viện khảo cứu Nông lâm, chuyên trách về cây lúa. Năm 1955, Lương Định Của công tác tại Tổ lúa, trại Quang Trung, thuộc Viện Nghiên cứu Nông-Lâm nghiệp. Tháng 9/1956 đến năm 1962, ông được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm, giảng dạy Di truyền giống. Từ năm 1963 - 1967, ông giữ cương vị là Phó Viện trưởng Viện Khoa  học Nông nghiệp. Từ năm 1968 đến khi mất (28/12/1975), ông giữ cương vị là Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm.

    Trong suốt quá trình nghiên cứu khoa học, ông đã lao động miệt mài và đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp vào sự phát triển của ngành Nông nghiệp Việt Nam. Bên cạnh thời gian làm việc trong phòng thí nghiệm, ông còn lăn lộn trên các cánh đồng làm thí nghiệm. Nhờ đó, ông đã cho ra đời nhiều giống lúa và áp dụng có hiệu quả các phương pháp, kỹ thuật canh tác của nước ngoài (chủ yếu là của Nhật) vào việc trồng lúa ở Việt Nam như: Bờ vùng bờ thửa, cấy chăng dây thẳng hàng, cấy ngửa tay để cây lúa không bị ngập quá sâu xuống bùn, dùng cào cỏ Nhật Bản,... Các phương pháp của ông đã được nông dân áp dụng thành công, tạo ra năng suất lúa cao kỷ lục thời bấy giờ. Có những cánh đồng ở đồng bằng sông Hồng đã đạt ngưỡng 10 tấn/ha/năm.

    Ông là tác giả của nhiều giống cây trồng cho năng suất cao và chất lượng tốt cho người nông dân như tạo ra một số giống lúa: NN1 (lai giữa giống Ba Thắc Nam bộ với giống Kunko của Nhật Bản), giống lúa mùa muộn Saibubao, giống lúa Chiêm 314 (lai giữa dòng Đoàn kết và Thắng lợi), chọn giống từ IR8 ra dòng NN8-388, giống NN75-1 (lai giữa giống 813 với NN1) và một số giống cây trồng khác như: Dưa hấu không hạt, dưa lê, khoai lang, rau muống, đu đủ, xương rồng,…

    Một trong số công trình nghiên cứu thành công nhất của ông phải kể đến là: Đa bội đơn thể ở tông Oryzea, ảnh hưởng của ánh sáng giai đoạn trên các giống lúa khi nhận đoản quang kỳ, nghiên cứu tế bào học trên lúa Oryzasativa.

    Ông có đóng góp to lớn cho phong trào 5 tấn lúa/ha, sau đó là 10 tấn/ha; góp phần tăng năng suất và sản lượng lúa giúp cho hậu phương miền Bắc cung cấp lương thực cho tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước sau này.

    Từ những cống hiến lớn lao đó cho đất nước, ông được công nhận là một chuyên gia hàng đầu và cũng là một nhà khoa học Việt Nam có uy tín lớn trên thế giới thuộc lĩnh vực di truyền - chọn giống.

    Ông cũng là một trong những người có công xây dựng lên nền móng của Học Viện Nông lâm (tiền thân của Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội ngày nay - Trường Đại học Nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam, xây dựng năm 1956 tại Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội; mới đây lại được đổi tên là Học viện Nông nghiệp). Các học trò của ông sau này đã và đang kế tục sự nghiệp của ông, có những học trò trở thành những nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Chính phủ ta.

    Trước những công lao to lớn của ông, nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phong tặng ông danh hiệu Anh hùng lao động (năm 1967), truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học công nghệ (1996) và nhiều phần thưởng cao quý khác.

    Nhận xét về Bác sĩ Nông học Lương Định Của, GS Tạ Quang Bửu, khi còn là Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, đã nói: “Bác sĩ Nông học Lương Định Của là người đầu tiên ở Việt Nam chọn giống theo công nghệ gen theo thuyết học thuyết Menden - Moócgan - đỉnh cao của sinh học hiện đại”.

    Viết về ông, GS.VS Vũ Tuyên Hoàng đã nhận xét: “Bác Của - tiếng gọi yêu mến của mọi người đối với ông, từ tấm lòng thiết tha yêu nước mà trở về với cách mạng, với Nhân dân lao động trên đồng ruộng. Ông đã đem hết sức mình cống hiến cho sự nghiệp khoa học nông nghiệp vào những buổi đầu, là một trong những người đặt nền móng cho khoa học - kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam phát triển như ngày nay”.

    Có thể nói, cả cuộc đời của Bác sĩ Nông học Lương Định Của gắn liền với quá trình lao động sáng tạo, không mệt mỏi trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học để tạo ra các giống lúa mới, các kỹ thuật canh tác thích hợp, đặt nền móng cho ngành Nông nghiệp Việt Nam. Ông là một trí thức lớn với lối sống thanh đạm, giản dị, say mê, tận tuỵ trong sự nghiệp trồng người, xứng đáng là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ các nhà khoa học sau này học hỏi. Ông là niềm tự hào của trí thức Việt Nam nói chung, của ngành Nông nghiệp Việt Nam nói riêng, đặc biệt là của quê hương Sóc Trăng.

    Trân trọng những đóng góp và ghi nhớ công lao của  một trong những nhà trí thức khoa học tiêu biểu của đất nước, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang (cũ) đã ký quyết định đổi tên trường cấp 2-3 thị trấn Long Phú, huyện Long Phú và đặt tên một con đường của thị xã Sóc Trăng hướng về Đại Ngãi thành tên của Bác sĩ Nông học Lương Định Của.


Nhà tưởng niệm Bác sĩ Nông học Lương Định Của tại trung tâm thị trấn Long Phú, huyện Long Phú. 

    Ngày 12/5/2004, UBND tỉnh Sóc Trăng ra quyết định số 655/QĐ.HC.04 công nhận Di tích cấp tỉnh điểm lưu niệm Danh nhân Lương Định Của ở ấp Ngãi Hội 1, xã Đại Ngãi, huyện Long Phú. Tên ông được đặt cho một số trường và đường ở thành phố Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội, thành phố Cần  Thơ, ... Đồng thời, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng chấp thuận cho Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng lập Quỹ học bổng khuyến học mang tên Lương Định Của.

    Năm 2006, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã lập Giải thưởng Lương Định Của, để hằng năm trao tặng cho những thanh niên có thành tích đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

    Năm 2009, UBND tỉnh Sóc Trăng đã quyết định xây dựng công trình Nhà tưởng niệm Bác sĩ Nông học Lương Định Của tại trung tâm thị trấn Long Phú, huyện Long Phú. Nhà tưởng niệm có diện tích sử dụng 1.350m2, với kinh phí xây dựng hơn 3 tỷ đồng được trích từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước. Một số hình ảnh, tài liệu, hiện vật được trưng bày trong Nhà tưởng niệm phản ánh phần nào những thành tích đóng góp to lớn của ông cho ngành Nông nghiệp nước nhà.

    Trên cơ sở tham khảo ý kiến của các cơ quan, đơn vị, chuyên gia và gia đình Bác sĩ Nông học Lương Định Của, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã quyết định xây dựng tượng đài của ông tại Công viên 30/4, thành phố Sóc Trăng. Đây là một trong ba công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025./.

Cao Xuân Lương



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 80
  • Hôm nay: 6893
  • Trong tuần: 77,600
  • Tất cả: 11,800,920